Một số trò chơi phát triển ngôn ngữ cho trẻ tại nhà trong mùa dịch.
Lượt xem:
Một số trò chơi phát triển ngôn ngữ cho trẻ tại nhà trong mùa dịch.
Phát triển ngôn ngữ cho trẻ qua các trò chơi phát triển ngôn ngữ giúp bé vừa học vừa chơi thú vị, phát triển toàn diện ngôn ngữ giao tiếp, trao dồi thêm kiến thức về môi trường xung quanh và tạo tiền đề để kích hoạt toàn bộ não bộ của trẻ: tư duy, quan sát, ghi nhớ…
Trò chơi phát triển ngôn ngữ là gì?
Trò chơi phát triển ngôn ngữ là những trò chơi giúp trẻ em kích thích não bộ, phát triển khả năng ngôn ngữ. Những trò chơi đó như là cầu nối gắn kết trẻ em với thế giới xung quanh, mang đến cho trẻ thêm nhiều kiến thức về xã hội, cuộc sống để từ đó trẻ có thể tăng thêm vốn từ, phát triển tư duy, trí nhớ…
1. Trò chơi phát triển ngôn ngữ cho trẻ từ 6 tháng đến 3 tuổi
Trò chơi 1: Đồng hồ tích tắc
Mục đích trò chơi:
– Trò chơi giúp bé luyện phát âm và vận động theo nhịp điệu.
– Bên cạnh đó, trò chơi giúp bé làm quen với chiếc đồng hồ, biết quy luật hoạt động của nó ngay từ trong tiềm thức.
Quy trình trò chơi:
Bước 1: Mẹ hướng dẫn bé đưa hai tay cầm lấy 2 vành tai của bé.
Bước 2: Để bé làm quen với trò chơi:
Mẹ và bé cùng nói: “Tích” và cùng nghiêng người về bên phải, nói “Tắc” và nghiên người về bên trái.
Tiếp theo, mẹ và bé cùng nói liên tục “Tích tắc, tích tắc” đồng thời nghiêng người liên tục sang phải rồi sang trái.
Bước 3: Giúp bé nói câu dài hơn:
Mẹ và bé cùng nói: “Đồng hồ tích tắc” và đồng thời nghiêng người sang phải và sang trái theo nhịp.
Bước 4: Cùng bé đọc thơ:
“Tích tắc tích tắc
Đồng hồ quả lắc
Kim ngắn chỉ giờ
Kim dài chỉ phút
Tích tắc tích tắc.”
Trò chơi phát triển ngôn ngữ “Đồng hồ tích tắc”
Trò chơi 2: Bắt chước âm thanh
Mục đích trò chơi:
Trò chơi “Bắt chước âm thanh” giúp trẻ luyện phát âm tiếng kêu và vận động theo các động tác của con vật.
Ngoài ra, trò chơi cũng giúp trẻ làm quen và hiểu biết hơn về các con vật xung quanh mình. (Cha mẹ có thể giới thiệu và nói thêm cho trẻ những đặc điểm của con vật để trẻ có thêm nhiều hiểu biết).
Quy trình trò chơi:
Cha/Mẹ gọi tên con vật và cùng bé phát âm tiếng kêu của con vật đó, đồng thời làm động tác của con vật.
– Con gà trống: Cùng trẻ đứng lên, vỗ 2 bàn tay vào mông 3 cái rồi phát âm “Ò ó o”.
– Con vịt: Hướng dẫn bé đưa hai bàn tay lên miệng giả làm mỏ vịt (Một tay ngửa, một tay úp, vỗ hai bàn tay vào nhau 3 lần) và phát âm “Cạc cạc cạc…”
– Con dê: Cùng bé chống 2 tay vào hông, đầu gật gật 3 lần và phát âm “be be be”.
– Con bò: Chống 2 tay vào hông, đầu lắc lắc và phát âm “Ùm bò… ò… ò..”
– Con mèo: Cha/Mẹ hướng dẫn trẻ úp 2 tay vào nhau sau đó kê dưới má rồi phát âm “meo meo meo”.
– Con chó: Co 2 cánh tay vào trước ngực, 2 bàn tay đưa ra phía trước và cùng bé phát âm “Gâu gâu gâu”.
– Con ong: Cùng bé dang rộng 2 tay sang 2 bên, vẫy vẫy rồi phát âm “rì rì rì”.
(Cha mẹ có thể kết hợp cho trẻ xem những hình ảnh minh họa về những con vật qua tranh ảnh đã mô tả để trẻ có thể tiếp cận thực tế và tưởng tượng dễ hơn về con vật)
Chú ý: Cha mẹ có thể đổi chủ đề “Con vật” bằng các chủ đề khác như “Phương tiện giao thông”, “Đồ vật”,… chước âm thanh”
Trò chơi phát triển ngôn ngữ “Bắt chước âm thanh”
Trò chơi 3: Tập tầm vông
Mục đích trò chơi:
– Giúp trẻ thích thú, linh hoạt hơn trong việc nói và hát.
– Bên cạnh đó giúp trẻ nhanh tay nhanh mắt trong trò chơi.
Quy trình trò chơi:
Cha/Mẹ hướng dẫn bé cùng hát bài “Tập tầm vông”:
“Tập tầm vông tay không tay có
Tập tầm vó tay có tay không
Mời các bạn đoán sao cho đúng
Tập tầm vó tay nào có tay nào không
Có có không không.”
Trong khi hát cha/mẹ nắm chặt 2 bàn tay (1 bàn tay có đồ vật, một bàn tay không có), giơ về phía trước và xoay vòng tròn theo nhịp bài hát. Đến cuối bài hát “Có có không không”, cha/mẹ dơ 2 bàn tay ra cho trẻ chọn xem bàn tay nào có đồ vật. (Có thể đổi vai cho bé đố cha/mẹ).
Trò chơi phát triển ngôn ngữ “Tập tầm vông”
Trò chơi 4: Chiếc hộp thần kỳ
Mục đích của trò chơi:
– Trò chơi “Chiếc hộp thần kỳ” giúp trẻ phát triển mạch lạc trong câu nói, kích thích vốn từ của trẻ, giúp trẻ bật được ra những từ để có thể miêu tả được đồ vật mà trẻ đang sờ thấy.
– Trò chơi còn kích thích trí tưởng tượng, khả năng tư duy, sắp xếp của trẻ để có thể có một câu nói mạch lạc, dứt khoát.
Đồ vật cần chuẩn bị:
– Một chiếc hộp kín.
– Một chiếc bịt mắt.
– Các đồ vật, đồ chơi như: rau củ, đồ chơi: ô tô, xe máy, gấu bông, quả bóng… , đồ dùng trong nhà: thìa, bát, đũa…
Quy trình trò chơi:
Bước 1: Cha/Mẹ sẽ chuẩn bị cho những vật dụng vào trong hộp đậy nắp lại. Sau đó hướng dẫn trẻ về nội dung trò chơi.
Bước 2: Dùng đồ bịt mắt, bịt mắt trẻ lại.
Bước 3: Cho trẻ thò tay vào trong hộp, và bảo trẻ miêu tả đồ vật mà trẻ sờ thấy và bảo trẻ đoán tên đồ vật mà mình sờ được.
Bước 4: Khi đoán đúng tên đồ vật, trẻ hãy bỏ đồ vật đó ra ngoài.
Trò chơi phát triển ngôn ngữ “Chiếc hộp thần kỳ”
Trò chơi 5 Tìm đồ vật phù hợp với thời tiết
Mục đích của trò chơi:
– Trò chơi rèn luyện cho trẻ khả năng phân tích, suy luận và giúp trẻ có thể sử dụng đồ dùng sinh hoạt phù hợp với thời tiết.
– Trò chơi giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, vốn từ liên quan đến thời tiết.
Đồ vật cần chuẩn bị:
– Những bức tranh, ảnh thể hiện hiện tượng thời tiết (mưa, nắng, tuyết, bão…), các mùa (xuân, hạ, thu, đông).
– Những tranh ảnh về đồ vật liên quan đến thời tiết: mũ, áo khoác, áo len, ô, váy. chăn,…
Quy trình chơi:
Bước 1: Cha/mẹ chia các bức tranh, ảnh đó ra. Cha/mẹ sẽ giữ những tấm tranh liên quan đến thời tiết và đưa cho trẻ những bức tranh liên quan đến đồ vật.
Bước 2: Cha/mẹ lựa chọn bức tranh về thời tiết, hỏi trẻ đây là hiện tượng thời tiết/mùa gì và sau đó bảo trẻ lựa chọn những đồ vật mà bé đang có phù hợp với hiện tượng thời tiết đó.
Bước 3: Sau khi bé chọn xong các đồ vật, cha/mẹ có thể hỏi bé những đồ vật đó có tác dụng gì (ví dụ: ô để che mưa, khăn quàng cổ để giữ ấm…)
Trò chơi phát triển ngôn ngữ “Tìm đồ vật phù hợp với thời tiết
Ngoài hướng dẫn con các trò chơi phát triển ngôn ngữ và phát huy tính tự lập, bố mẹ cần chỉ cho các biện pháp cơ bản để bảo vệ mình khỏi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona như: rửa tay nhiều lần trong ngày với xà bông và nước, uống nhiều nước, tích cực ăn trái cây, khi hắt hơi, hay ho phải lấy tay che miệng.